Có 10 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hòa Bình, Bắc Kạn.
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 84.884.074 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 58.807.646 liều, tiêm mũi 2 là 26.076.428 liều.
Tình hình chống dịch tại các tỉnh thành phố
Cụ thể, trẻ từ 12 – 17 tuổi cư trú trên địa bàn tỉnh Lào Cai thuộc các trường học công lập và ngoài công lập, các cơ sở bảo trợ xã hội, các địa phương sẽ được tiêm theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, ưu tiên tiêm cho nhóm 16-17 tuổi trước và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine. Lào Cai sử dụng vaccine được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi 12-17, theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Vaccine sử dụng 2 liều cơ bản/đối tượng.
Lào Cai sẽ thành lập các tổ tiêm chủng lưu động tổ chức tiêm tại các trường học cho học sinh đảm bảo các điều kiện trang thiết bị đáp ứng công tác an toàn tiêm chủng, công tác phòng chống dịch COVID-19. Đối với trẻ em không đi học, địa phương thành lập các điểm tiêm cố định theo cụm xã tại Trạm Y tế hoặc Phòng Khám Đa khoa khu vực. Các huyện, thị xã, thành phố duy trì điểm tiêm cố định tại Bệnh viện Đa khoa và bảo đảm trẻ em phải được tiêm ở các cơ sở y tế.
Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, huyện phải bố trí tối thiểu 5 giường hồi sức cấp cứu/điểm tiêm để sẵn sàng xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng. Các điểm tiêm chủng khác phải bố trí trang thiết bị, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết; Phải thực hiện “5K”, giãn cách và các biện pháp phòng chống dịch tại các điểm tiêm chủng.
+ Hà Nội: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nâng mức phòng dịch trong bệnh viện
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các bệnh viện (BV) của Hà Nội luôn sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống ở mức cao nhất, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị để đáp ứng với các cấp độ.
Trước khi vào viện điều trị nội trú, 100% bệnh nhân, người nhà bệnh nhân dù có triệu chứng hay không đều phải làm xét nghiệm, kết quả âm tính mới được ở lại. Định kỳ, cứ một tuần bệnh nhân xét nghiệm một lần theo đúng quy định. Ngoài ra, 100% nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, nhân viên nhà ăn, bảo vệ…) tại BV cũng được xét nghiệm 1 tuần/lần. Đến thời điểm này, BV đón tiếp 800 bệnh nhân ngoại trú/ngày, gần 500 bệnh nhân nội trú.
Còn tại BV Đa khoa Đống Đa, thời gian qua vẫn triển khai song song hai nhiệm vụ, vừa khám chữa bệnh, vừa điều trị bệnh nhân COVID-19. Đến nay, BV đã hỗ trợ, điều trị thu dung cho hơn 1.000 bệnh nhân COVID-19 tại khu Đền Lừ III. Để kiểm soát, linh hoạt, an toàn, đặt cảnh báo phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất, 100% người ra vào BV phải khai báo y tế, khai thác các yếu tố liên quan đến những vùng dịch, đặc biệt là vùng đỏ, da cam, vàng để tăng sàng lọc, phân luồng cũng như làm xét nghiệm.
+ Hà Tĩnh sẽ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 3 đến dưới 18 tuổi
Hà Tĩnh sẽ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 3 đến dưới 18 tuổi có chỉ định theo khuyến cáo của nhà sản xuất, Bộ Y tế và được sự đồng ý của phụ huynh học sinh/người giám hộ.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Tĩnh, tính đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành tiêm 12 đợt vaccine phòng COVID-19, đang triển khai tiêm đợt 13 và đã tham mưu UBND tỉnh triển khai tiêm đợt 14 cho các đối tượng theo quy định.
Thời gian tới, Hà Tĩnh triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến dưới 18 tuổi (bao gồm trẻ em tại trường học và trẻ em chưa hoặc không đi học) có chỉ định sử dụng vắc-xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, Bộ Y tế và được sự đồng ý của phụ huynh học sinh/người giám hộ.
Trong đó, sẽ triển khai theo lộ trình lứa tuổi từ cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Dự kiến Hà Tĩnh có 345.284 trẻ em từ 3 – 18 tuổi.
Chia sẻ về việc triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho học sinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở Y tế phối hợp với Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch, phương án để trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch, thực hiện tiêm cho lứa tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi trước theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đồng thời, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Sở TT&TT phối hợp với Sở Y tế triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiêm chủng.
+ Đà Nẵng: Xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm cho tiểu thương tại Cảng cá Thọ Quang
Tối 4/11, quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) đã huy động trên 40 nhân viên y tế tập trung lấy mẫu xét nghiệm cho các tiểu thương tại Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà).
Trung tâm Y tế quận Sơn Trà (Đà Nẵng) cho hay, sau khi phát hiện ca mắc COVID-19 M.T.D (nữ, trú tại Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, sinh năm 1975) đã từng đến Cảng cá Thọ Quang để buôn bán vào ngày 1/11. Trung tâm Y tế quận Sơn Trà đã khẩn trương tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho các tiểu thương tại cảng cá.
Dự kiến lực lượng y tế quận Sơn Trà sẽ xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm (từ 21 giờ ngày 4/11 đến 4 giờ ngày 5/11) cho khoảng 2.500 đến 3.000 người dân, nhằm nhanh chóng bóc tách các ca mắc COVID-19 ra khỏi cộng đồng, ngăn chặn ổ dịch bùng phát tại cảng cá.
Đến nay Quận Sơn Trà đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 cho người dân đạt khoảng 99%. Ngoài ra, để kiểm soát dịch bệnh, tất cả tàu, thuyền vào Cảng cá Thọ Quang đều được lực lượng y tế tổ chức xét nghiệm test nhanh mới được buôn bán.
Trước đó, vào ngày 1/10, Cảng cá Thọ Quang chính thức mở cửa trở lại sau 2 tháng đóng cửa để phòng dịch.
Tính đến chiều 4/11, Đà Nẵng ghi nhận 13 ca mắc COVID-19, trong đó, 2 ca đã cách ly tập trung tại cơ sở y tế, 8 ca cách ly tại nhà, 3 ca chưa cách ly. Tính từ ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 4.745 ca mắc COVID-19.
+ TPHCM: Số ca COVID-19 mắc mới có xu hướng tăng trở lại, người dân đã tiêm vaccine nhưng không nên chủ quan
Chiều 4/11, TP HCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình COVID-19 trên địa bàn TP. Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết TP đang ở cấp độ 2 của dịch, tuy nhiên hiện nay chỉ tiêu số ca mắc mới của TP cũng còn ở cấp độ 3.
Theo đánh giá của Sở Y tế, trong 1-2 tuần vừa qua số ca mắc mới có xu hướng tăng trở lại. Số ca mắc mới tăng lên thì số ca nhập viện cũng tăng.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Y tế có một phần lý do là các quận huyện đang thu dần các khu cách ly tập trung nên có một số bệnh nhân có bệnh nền chuyển đến bệnh viện để điều trị. Ngoài ra, mặc dù TP có độ phủ vaccine cao nhưng nhiều người dân từ các địa phương khác trở về chưa được tiêm vaccine.
Bên cạnh đó, TPHCM đề xuất được đón khách quốc tế từ tháng 12-2021. Du lịch TPHCM mong muốn được thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 12-2021, mở rộng trong năm 2022 theo lộ trình khôi phục ngành du lịch.
+ Hỗ trợ “điểm nóng” ở ĐBSCL dập dịch
+ Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở Đắk Lắk, Bộ Y tế cử đoàn công tác hỗ trợ
Tình hình dịch COVID-19 ở tỉnh Đắk Lắk vẫn phức tạp khi đến nay đã ghi nhận 27 trường hợp tử vong do COVID-19.
Sở Y tế Đắk Lắk thông tin, riêng từ chiều 3/11 đến chiều 4/11 trên địa bàn ghi nhận thêm 109 trường hợp mắc COVID-19.
Tổng số trường hợp mắc bệnh ghi nhận trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tính từ 27/4 đến chiều 4/11 là 4.675 trường hợp (trong đó đang điều trị 2.306 trường hợp; 2.342 bệnh nhân điều trị khỏi bệnh và 27 trường hợp tử vong).
Ngày 4/11, Bộ Y tế cũng đã có Quyết định số 5081/QĐ-BYT về việc thành lập Tổ công tác của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại tỉnh Đắk Lắk. Tổ công tác do TS.Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) làm tổ trưởng; TS. Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) làm tổ phó cùng 5 thành viên.
Tổ công tác sẽ hỗ trợ Đắk Lắk nhiều hoạt động như: Hỗ trợ các hoạt động chuyên môn kỹ thuật trong việc điều tra giám sát dịch; công tác lấy mẫu và tổ chức xét nghiệm, điều trị người bệnh COVID-19. Hỗ trợ tổ chức cách ly, xử lý môi trường y tế, truyền thông phòng, chống dịch.
Trước đó, đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy do BSCKII Trần Thanh Linh (Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy) dẫn đầu đã đến Đắk Lắk tiến hành khảo sát các bệnh viện dã chiến.
Góp ý và hướng dẫn nhiều kỹ thuật hữu ích cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. Với kinh nghiệm của mình, các chuyên gia tuyến trên này sẽ hỗ trợ địa phương các biện pháp điều trị và chống dịch hiệu quả nhất.
PV (Tổng hợp)