Bộ Y tế cần sớm ban hành quy định mới về giá test xét nghiệm

08:49 | 23/10/2021
Cập nhật mới nhất của Bộ Y tế đến tối 22/10 cho thấy bản đồ cấp độ dịch toàn quốc đã gia tăng các xã phường nguy cơ cao (màu cam), nguy cơ rất cao (màu đỏ) và nguy cơ trung bình (màu vàng), giảm xã phường xanh (vùng bình thường mới).

Theo thống kê của Bộ Y tế, cập nhật mới nhất (tối 22/10) cho thấy toàn quốc ở quy mô tỉnh thành, có 24 tỉnh ở cấp độ 1 (màu xanh, tức vùng bình thường mới).

39 tỉnh thành cấp độ 2 (màu vàng, tức nguy cơ trung bình).

Tuy nhiên ở quy mô xã phường, thống kê toàn quốc với 9.881 xã phường, số xã phường màu xanh là 6.676, giảm gần 300 xã phường so với ngày trước đó, trong khi số xã phường màu vàng, cam, đỏ đều tăng. Cụ thể, có 3.051 xã phường màu vàng, 113 xã phường màu cam, 41 xã phường màu đỏ.

Cho thấy số xã phường có nguy cơ, nguy cơ cao và rất cao có gia tăng, dù số xã phường màu cam, đỏ tăng thấp nhưng cũng cảnh báo khi mở lại các hoạt động và dịch vụ sẽ có nguy cơ lây lan dịch, nên áp dụng tốt 5K.

Bộ Y tế cần sớm ban hành quy định mới về giá test xét nghiệm

Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế cho biết Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa có cuộc họp với Bộ Y tế, nghe báo cáo về quản lý giá vật tư, dịch vụ y tế, đặc biệt là dịch vụ xét nghiệm COVID-19.

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 20/10, Bộ Y tế đã cấp phép cho 127 loại sản phẩm test xét nghiệm SASR-CoV-2 (nhập khẩu Mỹ, Đức, Pháp, Phần Lan, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Singapore,… và sản xuất trong nước).

Gồm: 43 test xét nghiệm vật liệu di truyền (PCR, LAMP), 56 test xét nghiệm kháng nguyên và 26 test xét nghiệm kháng thể. Ngoài ra, các đơn vị vẫn tiếp tục nộp hồ sơ và Bộ Y tế đang tiếp tục khẩn trương thẩm định và cấp phép cho các test xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định.

Về cung ứng và giá test xét nghiệm do các công ty sản xuất, kinh doanh công bố theo quy định, tính đến ngày 20/10, Bộ Y tế đã nhận được văn bản của 84 doanh nghiệp báo cáo khả năng cung ứng và giá do đơn vị công bố cho 186 loại test xét nghiệm virus SARS-CoV-2, Bộ Y tế đã đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của bộ.

Giá test, theo Bộ Y tế, phụ thuộc vào nhiều yếu tố thị trường, nguồn gốc, quốc gia sản xuất, doanh nghiệp sản xuất, thời điểm đặt hàng và số lượng đặt hàng… khác nhau thì giá test khác nhau.

Thông thường, giá test sản xuất tại một số nước châu Á rẻ hơn giá test sản xuất tại các nước châu Âu, Mỹ. Thời điểm dịch diễn biến căng thẳng, nhu cầu nhiều hơn khả năng cung ứng thì giá cao, ngược lại giá sẽ giảm…

Bộ Y tế cũng cho biết đã xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn giá dịch vụ xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2, đã công bố lấy ý kiến từ cuối tháng 9 và với giá test xét nghiệm các loại (xét nghiệm nhanh, PCR, mẫu đơn, mẫu gộp) đều thấp hơn hiện hành. Bộ Y tế cho biết thông tư này sẽ có hiệu lực thực hiện từ 1/11.

Nhiều ý kiến đề nghị Bộ Y tế đưa giá test vào tính chi phí xét nghiệm. Đồng thời có kỹ thuật thể hiện phù hợp để thích ứng linh hoạt với diễn biến giá test trên thị trường. Các cơ quan đề nghị Bộ Y tế khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn giá dịch vụ xét nghiệm mới.

Xác minh tiêm vaccine phòng COVID-19 trên thẻ CCCD gắn chip

Hiện nay, thẻ CCCD gắn chip đang được tích hợp nhiều tiện ích hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 như thông tin thẻ xanh COVID-19, tiêm chủng, giấy đi đường, thông tin xét nghiệm, giấy phép lái xe và nhiều tiện ích khác.

Công dân đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng dịch sẽ được tích hợp thẻ xanh, tiêm một mũi được tích hợp thẻ vàng trên CCCD gắn chip. Điều đặc biệt là thông tin và chứng nhận tiêm chủng này đã được đối chiếu chính xác trên hệ thống cơ sơ dữ liệu quốc gia về dân cư, vì vậy không thể làm giả.

Cụ thể, quy trình xác minh thông tin và tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tại địa phương hay tại cơ sở tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 gồm 4 bước:

Bước 1: Điều tra cơ bản trước khi lập kế hoạch tiêm chủng. Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (cấp xã) chỉ đạo Trạm Y tế cấp xã phối hợp với Công an cấp xã (kết hợp với điều tra cơ bản người trong độ tuổi cấp căn cước công dân), tổ dân phố, tổ COVID cộng đồng… lập danh sách (bằng cách tiếp nhận thông tin đăng ký tiêm trực tiếp, thông qua dữ liệu trên Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 do người dân tự đăng ký hoặc đăng ký theo tổ chức) có nhu cầu tiêm mũi 1, chuẩn bị tiêm mũi 2, gửi Công an cấp xã để kiểm tra, xác minh thông tin của người dân.

Bước 2: Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo Công an cấp xã tiến hành đối chiếu thông tin của công dân trong dữ liệu dân cư để yêu cầu người dân bổ sung, hoàn chỉnh thông tin sau đó xác nhận và gửi lại trạm y tế xã, phường để quản lý. Không thực hiện xác minh thông tin đối với trường hợp không phải là công dân Việt Nam. Trường hợp người trong danh sách chưa có thông tin hoặc có thông tin không chính xác với dữ liệu dân cư, Công an cấp xã có trách nhiệm xác minh bổ sung và gửi lại danh sách cho trạm y tế cấp xã.

Bước 3: Trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở tiêm chủng trên cơ sở dữ liệu được xác minh của công an có trách nhiệm lập kế hoạch, tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế (ưu tiên lập kế hoạch chung, kết hợp việc cấp căn cước công dân và tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, để tạo thuận lợi cho người dân).Người đến tiêm phải mang căn cước công dân hoặc thông báo số định danh cá nhân có mã QR do công an cấp và giấy xác nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trước đó (nếu có).

Bước 4: Sau khi hoàn thiện việc nhập dữ liệu cho đối tượng đã tiêm chủng, Chủ tịch UBND cấp xã ký chứng thư số đối với dữ liệu kết quả tiêm trên Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.

TP Thủ Đức (TPHCM) tiêm vaccine cho 100.000 trẻ từ 12-17 tuổi

Ngày 22/10, TP. Thủ Đức (TPHCM) ban hành kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi, bắt đầu từ 25/10. Hiện các trường học trên địa bàn đang thực hiện lấy ý kiến đồng thuận của phụ huynh. Mục tiêu của kế hoạch là đảm bảo 100% trẻ em từ 12 đến 17 tuổi sinh sống trên địa bàn TP.Thủ Đức được tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó, ưu tiên trẻ béo phì, có bệnh mãn tính.

Dự kiến TP. Thủ Đức sẽ tiêm cho khoảng 100.000 em, trong đó, tiêm mũi 1 cho khoảng 25.000 em có độ tuổi từ 16 đến hết 17 tuổi. Sau đó, tiếp tục hạ dần từ 14-15 tuổi cho khoảng 30.000 em, 12-13 tuổi cho khoảng 45.000 em theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.

Cũng trong ngày, Sở Y tế TPHCM cho biết, vừa có kết quả đánh giá tình hình dịch COVID-19 tại TPHCM đang ở cấp độ 2 (vàng) dựa trên 3 tiêu chí về số ca mắc mới tại cộng đồng, độ bao phủ vaccine và tiêu chí khả năng chăm sóc người nhiễm. Cụ thể, tổng số ca mắc mới trong cộng đồng/100.000 người/tuần là 95,6 ca nhiễm, nằm trong ngưỡng 50 – 150 ca nhiễm, đạt cấp độ 3 (da cam).

Bình Định: công bố cấp độ dịch cấp huyện, xã vào thứ 2 hàng tuần

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Định đã thống nhất giao Ủy ban Nhân dân tỉnh chủ động công bố thông tin về cấp độ dịch, ban hành các quyết định phong tỏa, cách ly các vùng dịch cấp huyện, xã và ủy quyền cho cấp huyện thực hiện các quyết định tương tự với cấp thôn, khu phố.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức, tự giác tuân thủ quy định phòng, chống dịch khi mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế-xã hội.

UBND tỉnh Bình Định đã có tờ trình về đánh giá, phân loại cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh và ban hành Kế hoạch “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của tỉnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long, việc xếp cấp độ dịch cấp huyện và cấp xã sẽ được công bố vào thứ 2 hàng tuần. Tương ứng với 4 cấp độ dịch, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ có các quyết định điều chỉnh các hoạt động kinh tế-xã hội theo diễn biến dịch bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, nhất là các quán ăn, quán nhậu, cà phê, cơ sở karaoke về các quy định giờ giấc hoạt động, quy mô phục vụ, thực hiện quét mã QR…

Ninh Bình: cách ly đối với người từ vùng dịch và F1

Ngày 22/10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Ninh Bình ban hành công văn số 246/BCĐ-VP6 về việc triển khai thực hiện các biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, người tiếp xúc vòng một với người mắc COVID-19 (F1), người có tiền sử đi/về Ninh Bình từ các khu vực bị phong tỏa do Bộ Y tế/Sở Y tế các địa phương thông báo, vùng dịch cấp độ 4 (màu đỏ) nếu đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã qua thời gian theo dõi sau điều trị COVID-19 sẽ phải cách ly tập trung 7 ngày tính từ ngày áp dụng biện pháp cách ly, tiếp tục cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú thêm 7 ngày sau khi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 3 lần trong toàn bộ giai đoạn cách ly hoặc ngay khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh.

Nếu chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 trước đó sẽ phải cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày tính từ ngày áp dụng biện pháp cách ly, tiếp tục cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú thêm 14 ngày sau khi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 4 lần.

Những người đi khám, chữa bệnh từ các tỉnh/thành phố khác trở về Ninh Bình, thuộc diện phải cách ly tập trung mà cần phải chăm sóc y tế sẽ tổ chức cách ly y tế tại cơ sở y tế. Trường hợp bệnh nặng, hiểm nghèo, không tự sinh hoạt cần hỗ trợ từ người khác sẽ tổ chức cách ly tại nhà nhưng chính quyền cơ sở phải giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện cách ly.

Nghệ An cho phép nhiều dịch vụ hoạt động trở lại tùy cấp độ dịch

UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 3896/QĐ-UBND về Quy định tạm thời một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19 để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid – 19” đối với từng cấp độ dịch trên địa bàn.

Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An thông báo cấp độ dịch của tỉnh Nghệ An là cấp độ 2. Ở cấp huyện, cấp 2 bao gồm TP Vinh, huyện Hưng Nguyên và huyện Nam Đàn; cấp 1 là 18 huyện, thị còn lại.

Các loại hình kinh doanh, dịch vụ cũng được hoạt động tương ứng theo từng cấp độ dịch của các địa phương.

Đối với các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời ở cấp độ 1 là không hạn chế số người, cấp độ 2 hạn chế có điều kiện. Riêng tổ chức đám cưới, đám tang có giám sát của chính quyền địa phương tại cấp 2, 3, 4.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, khu/cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, HTX, hộ gia đình sản xuất kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp, đơn vị thi công dự án, công trình xây dựng được phép hoạt động ở 4 cấp độ.

Không hạn chế việc đi lại của người dân đến từ các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau trong và ngoài tỉnh…

Từ đầu mùa dịch đến nay, tại Nghệ An có 2.176 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 19 người tử vong, 1.905 người ra viện và hiện đang điều trị cho 252 bệnh nhân. Kể từ ngày 1/10 đến nay, Nghệ An có 20.324 người từ các tỉnh, thành phía Nam về quê và đã phát hiện 208 bệnh nhân./.

PV (Tổng hợp)

Bài viết liên quan