Tạp chí điện tử TTV ghi nhận ý kiến của một số phóng viên trẻ tác nghiệp ngay tại tâm dịch.
Phóng viên Giao Linh (Truyền hình kỹ thuật số VTC)
Tôi bắt đầu tham gia đưa tin về Covid-19 từ tháng 10/2020. Khi đó, con gái vừa tròn 6 tháng tuổi, tôi vừa hết thời gian nghỉ thai sản. TPHCM vẫn là địa phương vững vàng trong trận chiến, tiếp ứng cho rất nhiều tỉnh thành khác chống dịch từ nhân lực, chuyên môn đến vật lực. Công việc của phóng viên y tế chủ yếu là tuyên truyền ý thức phòng dịch, ý thức thực hiện 5K và sự sẵn sàng của hệ thống y tế.
Tuy nhiên, thời điểm này rất khác. Mỗi sáng thức dậy, ai cũng có thể là F1, nhà ai cũng có thể bị phong tỏa, vì mầm bệnh đã lây lan trong cộng đồng. Các buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch của TP diễn ra liên tục, đột xuất. Cơ quan tôi phải chia làm 2 kíp trực, làm việc theo tuần để tránh tình trạng cả cơ quan bị cách ly phải ngừng sản xuất. Thậm chí, phải thiết lập 1 phòng làm việc riêng cho ê-kíp tác nghiệp về tình hình Covid-19. Đồ bảo hộ, mì tôm, máy tính,… đều phải chuẩn bị. Kể cả trường hợp xấu nhất là cách ly tòa nhà.
Nhưng điều tôi lo sợ nhất là cô con gái mới hơn 1 tuổi. Là phóng viên phụ trách mảng y tế, tôi phải vào các bệnh viện, phải chạy tới các điểm phong tỏa, các buổi giám sát của cơ quan chức năng…. Và ai có thể chắc chắn được tôi không vô tình trở thành F1 hay tệ hơn là 1 ca bệnh? Khi đó chắc chắn cô con gái của tôi cũng phải đi cách ly tập trung. Hình ảnh những em bé không có bố mẹ đi cùng, mặc những bộ đồ bảo hộ lùng nhùng, ăn cơm 1 mình, cô độc trong khu cách lý khiến tôi đau buốt ngực, vì nghĩ đến con mình có thể cũng rơi vào hoàn cảnh đó.
Tôi đi làm từ 7h sáng và về nhà vào 7h tối. Vội vàng tắm rửa vì sợ có thể mang theo mầm bệnh, còn con thì cứ đập cửa nhà tắm đòi ôm mẹ. Nó chỉ kịp ôm mẹ bú vội và ngủ luôn trong tay tôi. Tôi cảm thấy vô cùng có lỗi. Giá như Covid-19 sớm chấm dứt, thì tôi và hàng trăm đồng nghiệp có thể sớm trở về bên gia đình; hàng ngàn bác sỹ và nhân viên y tế cũng được đoàn tụ với con cái, vợ chồng.
Thế nhưng, sợ hãi hay lo lắng thì đội ngũ phóng viên y tế vẫn lao về tâm dịch. Chúng tôi phải tự ý thức bảo vệ mình trong mỗi lần tác nghiệp. Bởi lẽ ngành y tế đã quá vất vả, sự bất cẩn của phóng viên có thể khiến họ thêm một gánh nặng. Êkíp truyền hình làm việc hết tốc lực, 1 ngày có thể lên đến 3 bản tin với những thông tin cập nhật nhất cho người dân cả nước. May mắn là chúng tôi được ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19, nên có thể yên tâm phần nào, nhưng vẫn phải tuyệt đối tuân thủ 5K. Và chúng tôi tự hào khi được đóng góp công sức trong cuộc chiến cam go, chưa có hồi kết này.
Phóng viên Trần Chí Thiện (Phòng Thời sự, Đài PT-TH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)
Tôi được Ban giám đốc Đài phân công tác nghiệp tại các khu cách ly, khu điều trị từ lúc dịch bùng phát. Trong đợt đầu tiên, khi Tỉnh đưa công dân về cách ly tại Trung đoàn Minh Đạm, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phải thức chờ xe từ 1h sáng. Có những ngày tôi tác nghiệp đến tận sáng, ba mẹ chưa thấy về, gọi điện hỏi tôi là đang bị cách ly hay sao? Nhiều lần vào những khu cách ly rất sợ, sợ bị nhiễm bệnh lây cho đồng nghiệp, người thân và cộng đồng.
Tác nghiệp nơi tâm dịch, khó khăn nguy hiểm cũng nhiều nhưng khi trực tiếp cùng đội ngũ tuyến đầu phòng chống dịch, tôi lại thấy mình có động lực hơn. Tôi vẫn sát cánh cùng lực lượng y tế, công an và quân đội, để đối mặt với một loại virus độc tính mạnh, lây lan dễ dàng và nhanh chóng, khả năng tử vong cao và không có thuốc đặc trị. Tôi cảm thấy, chưa bao giờ việc tác nghiệp lại trở nên nguy cơ đến như vậy. Thế nhưng, vì trách nhiệm, tình yêu nghề tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ lên đường tác nghiệp. Sức hút của thông tin, trách nhiệm phải chuyển tải thông tin đến khán, thính giả nghe, xem Đài là điều gì đó thiêng liêng, mặc nhiên tồn tại trong lòng những người cầm bút như tôi, quen thuộc đến mức chính mình đôi khi cũng không nhận ra lửa nghề ở đâu mà có.
Phóng viên, BTV Nguyễn Đặng Thanh Tâm (Trung tâm Tin tức – HTV)
Là phóng viên Trung tâm Tin tức, có những lúc nhiệm vụ yêu cầu chúng tôi phải vào vùng dịch, mục tiêu để kịp thời phản ánh các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, thông tin đến khán giả nhanh, chính xác và phù hợp, vừa không khiến dư luận hoang mang vừa giúp mọi người nhận thức đúng về dịch bệnh để không chủ quan. Trong thời gian qua, tôi và các anh chị đồng nghiệp đều sẵn sàng tác nghiệp tại vùng dịch, các bệnh viện, các khu cách ly… Hầu hết các công tác trong vùng dịch đều do Ban Giám đốc phân công cụ thể, và cân nhắc nguy cơ. Khi vào vùng dịch tùy mức độ mà chúng tôi được trang bị và tuân thủ khuyến cáo.
Trung tâm Tin tức chia ca trực mỗi ngày và các ca hoàn toàn độc lập với nhau, luôn trong tư thế chuẩn bị cho tình huống cách ly cả ca trực. Đơn vị cũng trang bị thêm bao bọc micro, kính chắn giọt bắn và găng tay cho phóng viên. Xác định bảo đảm nhiệm vụ tin bài, cập nhật tin tức hay và chất lượng đến người dân thành phố, giữ vững an toàn phòng chống dịch là nhiệm vụ chính của chúng tôi. Thực tế khi tác nghiệp ở vùng dịch, thậm chí ở vùng tâm dịch, tôi cũng khá lo lắng, do đặc trưng truyền hình nên mỗi công tác đều phải là êkíp gồm biên tập, quay phim, lái xe, kỹ thuật (nếu cấp bách). Chính vì vậy mỗi người trong êkíp đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng chống dịch, vừa phải đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ của mình. Bởi nếu tôi không giữ được an toàn cho bản thân cũng đồng nghĩa mang đến rủi ro cho đồng nghiệp, cho người thân.
Đội ngũ phóng viên tuy không phải là lực lượng trực tiếp phòng chống dịch, nhưng chúng tôi vẫn tự hào là lực lượng tham gia tuyến đầu trong việc thông tin, định hướng, kết nối tinh thần và ý chí đoàn kết của người dân TP trong việc chung tay “vì cả nước, cùng cả nước” đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Là công dân của TPHCM, sinh ra và lớn lên, làm việc tại TP nghĩa tình, tôi cũng như bao người hoàn toàn tin tưởng vào các quyết sách của Chính phủ và TP, tuân thủ tuyệt đối mọi khuyến cáo của Bộ Y tế, của UBND TP. Tôi nghĩ mỗi công dân dù đến từ đâu, làm công việc gì, mỗi người làm tốt “nhiệm vụ kép” của mình vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo hiệu quả công việc thì cũng chính là góp phần cùng cả nước thực hiện “mục tiêu kép” trong thời điểm dịch bệnh này.
Phóng viên Hải Yến (Báo Người Lao Động)
Hiện tại, cả nước đang phải ứng phó với đợt dịch Covid-19 thứ 4, tình hình dịch cũng đang diễn biến phức tạp khó lường nên tôi hiểu những khó khăn của các y bác sĩ, những người trực tiếp tham gia điều trị và phòng chống dịch thực sự rất vất vả. Những y bác sĩ họ không quản khó khăn, gác lại công việc gia đình tham gia cứu sống người bệnh nên khi được trực tiếp phỏng vấn, ghi lại cảm xúc, tâm tư, tình cảm bản thân tôi thấy thương thực sự. Nhiều người nghĩ rằng, tiếp xúc với họ sẽ có nguy cơ cao, hiểu được điều này nên tôi tự bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh. Điều tôi mong muốn và lo sợ là không thể nào truyền tải hết được những khó khăn, công việc mà họ thực hiện hàng ngày để mang lại sự sống, bình yên cho mọi người đến với độc giả.
Việc cách ly giãn cách thay đổi phương thức tác nghiệp với một số ngành nghề nhưng với nghề báo để kịp thời truyền tải thông tin nhanh, nóng, sinh động đến với độc giả buộc mình phải “chạy vào nơi mọi người chạy ra”. Tôi cảm thấy may mắn khi được trực tiếp ghi lại những công việc, hình ảnh của các chiến sĩ trong tuyến đầu phòng chống dịch. Không chỉ giúp tôi có thêm kiến thức về y tế mà còn giúp tôi cảm thấy trưởng thành hơn với nghề. Dù đôi khi cũng có lúc mệt mỏi và nghĩ rằng mình muốn dừng lại nhưng khi được nghỉ ngơi đủ bản thân lại muốn phải đứng dậy tiếp tục đi, đi để trải nghiệm, để trưởng thành mà còn có sự đồng cảm với mỗi mảnh đời, mỗi số phận mình từng được nghe, được viết.
Điều khiến tôi nhớ nhất là ghi lại những câu chuyện của các nhân viên y tế trong khu cách ly tập trung TP Thủ Đức (trước là khu cách ly trung tâm quận 2). Câu chuyện về các chị hộ lý mỗi ngày khoác áo bảo hộ dưới thời tiết nắng nóng để phục vụ người cách ly quả là một “cực hình”. Hay những nhân viên y tế tại các chốt chặn ở các cửa ngõ ra vào thành phố, khi cởi bỏ đồ bảo hộ họ đều trong tình trạng đầm đìa mồ hôi.
Là những người nơi tuyến đầu chống dịch, hơn ai hết, chúng tôi – những phóng viên – được chứng kiến, được tiếp cận và được đồng cảm với những khó khăn nơi tuyến đầu. Họ là những bác sĩ, y tá, bộ đội, công an, dân quân… và cả những người dân trong vùng dịch. Họ đang phải trải qua những ngày tháng gian khó cả về vật chất lẫn tinh thần. Dịch bệnh khiến nhiều mặt trong cuộc sống bị đảo lộn, nhiều ngành nghề chao đảo. Cuộc sống của gia đình tôi cũng bị đảo lộn khi đợt dịch thứ 4 bùng phát tại TPHCM tôi đành phải gửi con về quê để an toàn hơn. Tôi tin rằng, chúng ta sẽ cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh để trả lại bình yên cuộc sống như chúng ta đã từng có.
Phóng viên Lê Thoa (Báo Pháp Luật TPHCM)
Những ngày tác nghiệp trong tâm dịch Covid-19, tôi cảm nhận được rất nhiều về nghĩa tình của người dân Sài Gòn – TPHCM. Không chỉ đeo bám các y bác sĩ để lấy thông tin, cung cấp những thông tin mà độc giả qua tâm một cách nhanh nhất, mà người làm báo chúng tôi còn trực tiếp chuyển tải hình ảnh, thước phim đầy cảm xúc về những ATM gạo nghĩa tình, Gian hàng 0 đồng, Những chuyến xe san sẻ tình yêu thương, Những bữa cơm miễn phí… được đưa đến tận nơi người trong tuyến đầu chống dịch, người dân trong vùng cách ly phong tỏa… Với những việc làm ấy, càng minh chứng rằng nghĩa tình luôn là một thương hiệu của người dân TP.
Tôi nhận thấy rằng, dịch Covid-19 đã làm phần nào thay đổi phương thức tác nghiệp của chúng tôi, ngoài những phóng viên được phân công trực tiếp đến hiện trường thì chúng tôi hầu như thường trực tại Trung tâm báo chí TPHCM để tham gia các cuộc họp trực tuyến. Phóng viên, nhà báo đến Trung tâm tác nghiệp cũng phải kiểm tra chặt chẽ về y tế như: đo thân nhiệt, rửa tay, mang khẩu trang, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K khi vào phòng họp. Nhiều màn hình khổ lớn được treo trong khán phòng, truyền hình ảnh lãnh đạo TP, lãnh đạo các sở, ngành dự họp. Đội ngũ phóng viên tường thuật trực tiếp nội dung cuộc họp thông qua những con người thật… trên màn hình. Đây có lẽ là một hình thức đặc biệt phát huy tác dụng trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.
Cuộc chiến đấu với dịch vẫn chưa đến hồi kết nhưng tôi tin rằng với quyết tâm của các cấp cùng sự chung tay, đồng lòng của người dân thì chúng ta sẽ đẩy lùi được dịch bệnh.
Nhà báo phải đi sát với dòng chảy thông tin và phải đủ đam mê để dấn thân
Tôi cảm thấy may mắn dù là phải đối mặt với nhiều thử thách khi có mặt tại thủ đô Washington DC Mỹ trong thời điểm diễn ra những sự kiện lớn của Thế giới (dịch Covid-19, Bầu cử Tổng thống Mỹ). Do dịch kéo dài nên việc sắp xếp nhân sự báo chí có mặt ở những sự kiện lớn vào lúc dịch cao điểm là chuyện không hề dễ dàng nên mình đã nhận lời hỗ trợ các tờ báo ở Việt Nam trong công tác đưa tin và ghi nhận ý kiến người dân bản địa về những sự kiện mang tầm vóc quốc tế này. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội thực tế để cọ xát và rèn luyện kĩ năng làm báo trong môi trường quốc tế sau những năm tác nghiệp trong nước và thời gian tu nghiệp tại Anh (với bằng Thạc sĩ Báo chí Quốc tế). Tuy vậy, công tác báo chí ở Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung cũng đòi hỏi kiến thức, kĩ năng cụ thể để thích nghi và bắt kịp dòng chảy thông tin và nhịp đập của khu vực. Nhìn chung thì kĩ năng tác nghiệp của phóng viên báo chí nước ngoài và phóng viên báo chí Việt Nam không khác nhau nhiều. Xu hướng chung trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu người làm báo phải nắm vững kĩ năng nghề nghiệp, am hiểu nhiều mặt của chính trị – kinh tế – xã hội và có phong thái riêng khi trình bày sự kiện đến với người dân. Thông thường ở những sự kiện lớn như Bầu cử Tổng thống Mỹ và ghi nhận thông tin đại dịch toàn cầu thì người làm báo phải thông hiểu nhiều lĩnh vực mang tính vĩ mô và cả ở khu vực, nắm bắt sâu tâm lý người dân, đi sát với dòng chảy thông tin và phải đủ đam mê để dấn thân bởi có nhiều thử thách khó mà lường trước hết được. Để tạo ra dấu ấn riêng thì không chỉ phóng viên nước ngoài mà ngay cả phóng viên Việt Nam cũng đang cố gắng ghi nhận những hình ảnh sinh động từ hiện trường, thu trực tiếp phần phỏng vấn cảm nhận của người dân, hiểu sâu và phân tích tổng quát – cặn kẽ tất cả những chi tiết liên quan đến chuỗi sự kiện qua nhiều hình thức và kĩ thuật làm nghề khác nhau. Hơn nữa, để sản phẩm báo chí mang tính thực tế và có hồn, để lại dấu ấn riêng trong lòng độc/khán/thính giả thì người làm báo cần có trải nghiệm sống phong phú và hiểu rõ về cuộc sống địa phương để có những chi tiết phân tích sâu sắc, khéo léo góp phần làm cho bức tranh về sự kiện thêm phần sinh động. Nhà báo Nguyễn Thị Ngân Hà (Thạc sĩ Báo chí Truyền thông, Vương quốc Anh Thạc sĩ Khoa học Dữ liệu – Hoa Kỳ) |
Hoàng Minh (ghi)