Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 7 tháng qua có đến 21.226 doanh nghiệp tại TP.HCM ngừng kinh doanh và giải thể. Riêng ngành du lịch đến thời điểm này đã có gần 95% doanh nghiệp lữ hành tạm ngưng hoạt động và chỉ một số ít còn hoạt động nhưng chủ yếu để xử lý công nợ với đối tác, khách hàng. Cũng như thế, công suất phòng ở các khách sạn cũng giảm 91,5% so với cùng kỳ, số lượng lao động giảm 61% từ nghỉ không lương hoặc ngừng việc…
Khó khăn khiến các doanh nghiệp tìm đến sự hỗ trợ của Chính phủ, thế nhưng do không có tài sản thế chấp nên doanh nghiệp rất khó tiếp cận các gói vay tín chấp của ngân hàng. Các doanh nghiệp lữ hành chưa thể tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Mới chỉ có 7 trong 50 doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú trên địa bàn được hỗ trợ lãi suất cho vay sau các buổi làm việc giữa sở với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM.
Trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp, Sở Du lịch TP.HCM kiến nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp cụ thể, thiết thực tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch tiếp cận được các gói hỗ trợ song song với việc cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chậm nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng trong năm 2020 từ 6-12 tháng, giảm 50% thuế thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng trong năm 2020…
Cùng với đó, Sở Du lịch TP.HCM cũng đưa ra hai kịch bản hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy sau dịch trong thời gian tới. Cụ thể, nếu dịch bệnh được khống chế trong tháng 9/2020, Sở Du lịch TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa trên cơ sở liên kết các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển và điểm tham quan… để có sản phẩm mới hấp dẫn, an toàn và cạnh tranh.
Nếu dịch bệnh kéo dài đến hết quý IV/2020, bên cạnh việc kích cầu du lịch, TP.HCM sẽ tập trung nhóm giải pháp tái cơ cấu, đào tạo lại nguồn nhân lực trong ngành song song với việc hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu, định hướng lại thị trường khách và xây dựng sản phẩm mới chuẩn bị tái khởi động khi dịch được khống chế…
Hà Anh