Mark Zuckerberg tạo ra Meta Platforms để kết nối thế giới tuy nhiên nếu Mỹ và EU không đạt được thỏa thuận kịp thời, và Meta không thể kháng cáo hay trì hoãn phán quyết tại tòa, công ty sẽ phải xóa dữ liệu của hàng trăm triệu người dùng Facebook.
Ảnh hưởng tới hàng triệu người dùng Facebook mỗi ngày”
Hôm 22/5, Liên minh châu Âu (EU) phạt công ty mẹ của Facebook số tiền kỷ lục 1,2 tỷ euro (tương đương 1,3 tỷ USD) vì chuyển thông tin người dùng châu Âu sang Mỹ. 1,2 tỷ EUR (1,3 tỷ USD) là mức phạt cao nhất mà châu Âu từng đưa ra với một công ty vi phạm GDPR.
Theo Wall Street Journal, không riêng gì Facebook, nhiều công ty công nghệ có trụ sở ở Mỹ thường thực hiện quá trình chuyển dữ liệu về công ty mẹ. Đây là bước nhằm vận hành dữ liệu cung cấp dịch vụ. Nhưng với phán quyết mới của EU, điều này có thể bị đảo ngược trong vòng 6 tháng tới.

Nói cách khác, Meta không thể xử lý dữ liệu châu Âu trên các máy chủ tại Mỹ một cách hợp pháp. Và trong vòng 6 tháng tới, nếu giới chức trách không đồng ý với một thỏa thuận thay thế về việc chuyển dữ liệu tại châu Âu, Meta có thể buộc phải xóa tất cả dữ liệu của người dùng châu Âu đã lưu trữ ở Mỹ.
Đó là một vấn đề nan giải. Theo hồ sơ tòa án, các kỹ sư của Meta thừa nhận rằng việc tìm kiếm từng hồ sơ cá nhân trên Facebook trong khối dữ liệu cá nhân khổng lồ mà công ty đã thu thập từ hàng tỷ người là điều không thể.
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ sẽ giải quyết vấn đề như thế nào?
1,3 tỷ USD là số tiền phạt kỷ lục. Tuy nhiên, đây là một con số không hề tương xứng với những tác hại mà Facebook đã gây ra, cùng nhiều phần thưởng mà gã nhà giàu này gặt hái được.
Ông Rohit Chopra, Ủy viên Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) cho rằng hành động “làm giàu bất chính” của Facebook đã vi phạm luật, và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn nữa trong tương lai. Vị ủy viên nhận định: “Không thể dung túng cho một kẻ ăn cắp 100 USD chỉ phải nộp phạt 50 USD hòng thoát tội”.
Vẫn chưa rõ điều này sẽ tiêu tốn của Meta bao nhiêu tiền, hay gã khổng lồ công nghệ Mỹ có thể làm gì để giải quyết vấn đề về dữ liệu.
Nhưng theo Bloomberg, đây sẽ là một chiến thắng mang tính biểu tượng đối với các cơ quan quản lý quyền riêng tư. Bởi nó cho thấy EU rất nghiêm trọng trong việc thực thi Quy định Bảo vệ Dữ liệu chung (GDPR).

Trong nhiều năm, các công ty Internet lớn của Thung lũng Silicon đã tìm cách vượt qua rào cản về quy định. Với vô số kháng cáo của những tập đoàn này, đa số phán quyết đều bị đưa trở lại tòa án.
Nhưng 1,3 tỷ USD là đòn giáng mạnh vào Zuckerberg ở thời điểm này. Vị tỷ phú công nghệ đang tìm cách nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty. Meta đã sa thải hàng nghìn nhân viên để cắt giảm chi phí. Trong quý đầu tiên của năm nay, công ty mẹ Facebook thu được 28,7 tỷ USD.
Quỳnh Chi