Không nằm ngoài dự đoán, sau “tối hậu thư tháng 3”, đăng kiểm vẫn tắc. Bộ GTVT vừa gửi công văn xin Bộ Quốc phòng và Công an tiếp tục cử nhân sự giúp đỡ. Quả thực, nếu không có thêm giải pháp khả dĩ, với khoảng 2,5 triệu ô tô cần đăng kiểm trong 6 tháng tới, ngành đăng kiểm vẫn rơi vào…bế tắc.
Kenya-một quốc gia thuộc châu Phi từ lâu đã cho phép người dân đăng ký đặt chỗ và thanh toán qua mạng. Hệ thống sẽ thông báo bằng chỉ dấu xanh là còn chỗ trống để người dân tới cơ sở gần nhất đăng kiểm. Phần mềm này không chỉ riêng đăng kiểm mà còn tích hợp bằng lái, trạng thái giấy phép lái xe hay báo cáo sự cố đường bộ. Tất nhiên, các quốc gia tiên tiến ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…thì khỏi phải nói. Còn ở ta khi sự việc xẩy ra, sau bao năm vận hành chủ yếu “bằng cơm” với đầy rẫy tiêu cực, nay Cục Đăng kiểm mới nhúc nhắc tiếp cận công nghệ. Có lẽ nhờ có “áp lực ùn tắc”, chỉ đạo từ cấp trên, hôm qua (12/5), đơn vị này mới công bố áp (app) đăng ký xếp hàng qua mạng.
Biết đâu, lịch sử phát triển của cơ quan này có một chương cám ơn ngành công an giúp thúc đẩy công nghệ hóa, hiện đại hóa. Rõ ràng, công nghệ trí tuệ nhân tạo thời nay phải hơn cả về tính chính xác, hiệu quả và liêm chính rất nhiều so với ông giám đốc đăng kiểm mù chữ hoặc tham nhũng. Đương nhiên, những chủ sở hữu ô tô cá nhân (vốn thường xuyên bảo dưỡng định kỳ tại những cơ sở chính hãng hiện đại, quy mô) đỡ rất nhiều chi phí phát sinh không đáng có. Đó là chưa kể, nếu lật lại lịch sử ngành này, đã có lúc để xẩy ra chuyện lình xình về nhập thiết bị đăng kiểm thiếu đồng nhất.
Nếu lĩnh vực nào cũng gây phát sinh chi phí xã hội như đăng kiểm thì cần cải tổ gấp. Một thống kê sơ bộ cho thấy, mỗi chiếc ô tô ở Việt Nam trong 20 năm sử dụng, đăng kiểm 36 lần; các nước phát triển chỉ 9 lần. Theo thời gian, hệ thống giao thông nước ta đã phát triển, hiện đại rất nhiều; dịch vụ chăm sóc bảo dưỡng chính hãng thậm chí còn được luật hóa… Tỷ lệ thuận với đó, tuổi thọ phương tiện cũng thay đổi theo hướng tích cực. Thế nhưng, chỉ mới đây, ngành đăng kiểm mới có nhiều kiến nghị mang tính đột phá như giãn chu kỳ, các bước đăng kiểm hay đăng ký xếp hàng qua mạng… Ở nhiều nước, phần nhiều trong quy trình kiểm định là của rô bốt. Tất nhiên rô bốt không nói dối và nhận tiền can thiệp kết quả. Vừa rồi cơ quan chức năng phát hiện tiêu cực nhưng sự việc đã cho thấy cả sự lãng phí nguồn lực xã hội.
Nhìn xa hơn một chút, câu chuyện ngành đăng kiểm cũng phần nào giống bức tranh của xã hội. Xử lý tiêu cực thì cán bộ tỏ ra sợ hãi, né tránh, đùn đẩy và viện đủ lý do. Đã có lúc, lãnh đạo đăng kiểm phát ngôn hàm ý rằng, cán bộ của mình sợ công an bắt nên không đến làm việc. Không lẽ lãnh đạo một số tỉnh thành “đá đưa” văn bản cũng có nỗi sợ như đăng kiểm? Đó thực ra là hành vi trốn tránh trách nhiệm.
Theo báo Tiền Phong